A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

DẠY TẬP ĐỌC LỚP 4 THEO ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC HỌC SINH

I, CƠ SỞ LÍ LUẬN VỀ  DẠY HỌC THEO ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC, PHẨM CHẤT NGƯỜI HỌC.

1) Thế nào là dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học?

Dạy học phát triển phẩm chất, năng lực là phương pháp tích tụ dần dần các yếu tố của phẩm chất và năng lực người học để chuyển hóa và góp phần cho việc hình thành, phát triển nhân cách.

Dạy học phát triển phẩm chất, năng lực người học được xem như một nội dung giáo dục, một phương pháp giáo dục như phương pháp dạy học nêu vấn đề, phương pháp dạy học phát huy tính tích cực của học sinh. Điểm khác nhau giữa các phương pháp là ở chỗ dạy học phát triển phẩm chất, năng lực người học có yêu cầu cao hơn, mức độ khó hơn, đòi hỏi người dạy phải có phẩm chất, năng lực giảng dạy nói chung cao hơn trước đây.

Điều quan trọng hơn cả là nếu so sánh với các quan niệm dạy học trước đây, việc dạy học phát triển phẩm chất, năng lực sẽ làm cho việc dạy và việc học được tiếp cận gần hơn, sát hơn với mục tiêu hình thành và phát triển nhân cách con người..

2) Những yêu cầu một giờ học theo quan điểm phát triển phẩm chất, năng lực người học.

Trong quan niệm dạy học mới (tổ chức) một giờ học tốt là một giờ học phát huy được tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của cả người dạy và người học nhằm nâng cao tri thức, bồi dưỡng năng lực hợp tác, năng lực vận dụng tri thức vào thực tiễn, bồi dưỡng phương pháp tự học, tác động tích cực đến tư tưởng, tình cảm, đem lại hứng thú học tập cho người học.

Ngoài những yêu cầu có tính chất truyền thống như: bám sát mục tiêu giáo dục, nội dung dạy học, đặc trưng môn học; phù hợp với đặc điểm tâm sinh lí lứa tuổi HS; giờ học đổi mới PPDH còn có những yêu cầu mới như: được thực hiện thông qua việc GV tổ chức các hoạt động học tập cho HS theo hướng chú ý đến việc rèn luyện phương pháp tư duy, khả năng tự học, nhu cầu hành động và thái độ tự tin; được thực hiện theo nguyên tắc tương tác nhiều chiều: giữa GV với HS, giữa HS với nhau (chú trọng cả hoạt động dạy của người dạy và hoạt động học của người học).

Về bản chất, đó là giờ học có sự kết hợp giữa học tập cá thể (hình thức học cá nhân) với học tập hợp tác (hình thức học theo nhóm, theo lớp); chú trọng kết hợp học với hành, nâng cao tri thức với rèn luyện các kĩ năng, gắn với thực tiễn cuộc sống; phát huy thế mạnh của các PPDH tiên tiến, hiện đại; các phương tiện, thiết bị dạy học và những ứng dụng của công nghệ thông tin…; chú trọng cả hoạt động đánh giá của GV và tự đánh giá của HS.

3) Các phương pháp dạy học theo quan điểm phát triển phẩm chất, năng lực người học.

Ngoài việc nắm vững những định hướng đổi mới PPDH, để có được những giờ dạy học tốt, cần phải nắm vững các kĩ thuật dạy học. Chuẩn bị và thiết kế một giờ học cũng là một hoạt động cần có những kĩ thuật riêng. Có rất nhiều phương pháp và kĩ thuật dạy học đáp ứng quan điểm phát triển năng lực cho người học. Ví dụ như: PP Bàn tay nặn bột, Kĩ thuật khăn trải bàn, Kĩ thuật mảnh ghép…Tuy nhiên dù sử dụng bất kỳ phương pháp nào cũng phải đảm bảo được nguyên tắc “Học sinh tự mình hoàn thành nhiệm vụ học tập dưới sự tổ chức, hướng dẫn của giáo viên”.

4) Cách trình bày mỗi hoạt động dạy học trong giáo án.

Trình bày rõ cách thức triển khai các hoạt động dạy - học cụ thể. Với mỗi hoạt động cần chỉ rõ:

- Tên hoạt động;

- Thời lượng để thực hiện hoạt động;

- Mục tiêu của hoạt động;

- Cách tiến hành hoạt động:

+ Nêu hình thức tổ chức học.

+ Nhấn mạnh yêu cầu cần đạt với từng đối tượng hoặc từng nhóm đối tượng HS.

+ Đưa ra những lưu ý với các đối tượng đặc biệt (HS có năng lực; HS còn hạn chế).

- Kết luận của GV  về: những KT, KN, thái độ HS cần có sau hoạt động; những tình huống thực tiễn có thể vận dụng KT, KN, thái độ đã học để giải quyết; những sai sót thường gặp; những hậu quả có thể xảy ra nếu không có cách giải quyết phù hợp;... (GV chốt kiến thức nếu cần).

II, ĐỊNH HƯỚNG DẠY TẬP ĐỌC 4 THEO HƯỚNG PHÁT HUY PHẨM CHẤT, NĂNG LỰC NGƯỜI HỌC.

1, Hướng dẫn đọc

a)Đọc thành tiếng

GV có thể hướng dẫn HS đọc thành tiếng bằng các biện pháp sau:

-Đọc mẫu: Việc đọc mẫu ở các lớp dưới thường do GV đảm nhiệm. Đến lớp 4, kỹ năng đọc của HS đã được nâng cao, nhiều HS có thể đạt tới trình độ chuẩn trong những trường hợp nhất định. Do vậy nên giảm bớt hình thức đọc mẫu, GV chỉ đọc mẫu khi thực sự cần thiết. Tùy từng trường hợp cụ thể, GV có thể chỉ định 1 HS có kỹ năng đọc tốt đọc làm mẫu trước, HS trao đổi, thống nhất cách đọc trong nhóm. GV chỉ nên đọc mẫu toàn bài khi cả lớp đã hoàn thành các bước luyện đọc trơn, trước khi tìm hiểu bài và chuyển sang bước luyện đọc diễn cảm để giúp HS so sánh, đối chiếu với cách đọc của mình. Cách làm này giúp HS có ý thức tự đọc và chủ động suy nghĩ cách đọc phù hợp với nội dung. Các hình thức đọc mẫu bao gồm:

+Đọc từ, cụm từ nhằm hướng dẫn cách phát âm đúng, trong trường hợp nhiều HS phát âm sai.

+Đọc câu, đoạn, bài nhằm hướng dẫn cách đọc diễn cảm.

-Dùng lời nói, kết hợp chữ viết, kí hiệu và đồ dùng dạy học, hướng dẫn HS cách ngắt nghỉ hơi, tốc độ đọc, giọng đọc thích hợp.

-Tổ chức cho HS đọc cá nhân (đọc trong nhóm, đọc trước lớp), đọc đồng thanh (cả nhóm, cả tổ, cả lớp); nhận xét cách đọc của HS, sửa lỗi phát âm hoặc lỗi thể hiện nội dung thông qua giọng đọc cho HS. Ở lớp 4 nên hạn chế số lần đọc đồng thanh và tăng cường hình thức đọc cá nhân.

b) Đọc thầm

Các biện pháp có thể áp dụng là:

-Giao nhiệm vụ để định hướng rõ yêu cầu đọc thầm cho HS (đọc câu nào, đoạn nào; đọc để trả lời câu hỏi hay để ghi nhớ, thuộc lòng; đọc để trả lời câu hỏi nào)

-Giới hạn thời gian để tăng tốc độ đọc thầm cho HS. Cách thực hiện biện pháp này là từng bước rút ngắn thời gian đọc của HS và tăng dần độ khó của nhiệm vụ (đọc lướt để tìm từ ngữ hay chi tiết, hình ảnh nhất định trong 2 phút, 1 phút; đọc lướt để nêu nội dung chính của đoạn của bài trong 2 phút, 1 phút).

2, Hướng dẫn tìm hiểu bài

Hướng dẫn HS luôn chủ động suy nghĩ về bài đọc ngay từ tên bài đọc nhằm rèn luyện kĩ năng tư duy, phân tích, phê phán và kĩ năng đặt câu hỏi.

a) Giúp HS hiểu nghĩa của từ mới

-Khuyến khích HS giải nghĩa từ mới theo cách hiểu của mình để phát huy tính tích cực, chủ động và rèn luyện kĩ năng phân tích ngữ cảnh cho HS.

-Đối với những từ ngữ đã được giải thích trong SGK: DV không nhất thiết phải yêu cầu HS giải thích tất cả các từ ngữ này mà có thể chọn một số từ ngữ khó để giải thích cho rõ. Biện pháp thực hiện là tổ chức cho HS đọc thầm nội dung chú thích trong SGK rồi trình bày lại.

-Đối với những từ ngữ đã được giải thích trong SGK mà HS vẫn chưa nắm chắc nghĩa hoặc những từ ngữ khác trong bài còn khó hiểu, GV có thể hướng dẫn HS giải thích bằng các biện pháp sau:

+Dùng các từ đồng nghĩa, trái nghĩa hoặc từ ngữ thông dụng ở địa phương để giải thích từ ngữ đó.

+Đặt câu với từ ngữ đó.

+Miêu tả sự vật, hoạt động, trạng thái, đặc điểm hoặc tích chất được gọi tên bằng từ ngữ đó.

b) Giúp HS nắm vững câu hỏi tìm hiểu bài

Các biện pháp có thể áp dụng là:

-Cho HS đọc thầm câu hỏi rồi trình bày lại yêu cầu của câu hỏi đó.

-GV giải thích thêm cho rõ yêu cầu của câu hỏi.

-Tách câu hỏi, bài tập trong SGK thành một số câu hỏi nhỏ hoặc bổ sung câu hỏi phụ để HS dễ thực hiện. Chú ý tránh đặt thêm những câu hỏi không phù hợp với chủ điểm học tập hoặc vượt quá khả năng nhận thức của HS.

-Tổ chức cho HS trả lời hay thực hiện làm mẫu một phần của câu hỏi để cả lớp nắm được yêu cầu của câu hỏi đó.

c) Tổ chức cho HS trả lời câu hỏi tìm hiểu bài

Các biện pháp có thể áp dụng là:

-Tổ chức cho HS làm việc cá nhân, theo cặp hoặc nhóm để trả lời câu hỏi.

-Tổ chức cho HS báo cáo kết quả bằng nhiều hình thức khác nhau.

-Trao đổi với HS, sửa lỗi cho HS hoặc tổ chức để HS giải đáp thắc mắc cho nhau, đánh giá nhau trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tìm hiểu bài.

-Sơ kết, tổng kết ý kiến HS; ghi bảng nếu cần thiết.

III, BỐ CỤC VÀ HÌNH THỨC TRÌNH BÀY MỘT GIÁO ÁN TẬP ĐỌC 4

I- Mục tiêu:

- Bám sát Chuẩn KT, KN.

- Chỉ rõ yêu cầu cần đạt với từng nhóm đối tượng HS (VD: HS trả lời các câu hỏi 1, 2, 3,… HS mức 3, 4 câu hỏi 4,… hoặc câu hỏi nâng cao).

- Lồng ghép mục tiêu bảo vệ môi trường, giáo dục Kỹ năng sống (nếu phù hợp).

II- Chuẩn bị:

-Giáo viên: + Phương pháp (Hỏi đáp, nêu vấn đề, Bàn tay nặn bột, thảo luận nhóm,...)

           +Hình thức tổ chức (cá nhân, cặp, nhóm, cả lớp).

                +Đồ dùng dạy học (tranh ảnh, máy chiếu, mô hình,...)

- Học sinh: Đồ dùng học tập.

III- Tổ chức các hoạt động dạy học:

1- Khởi động:(Thời gian)

-Đặt câu hỏi, câu đó vui, kể chuyện, nêu một tình huống, tổ chức trò chơi, kiểm tra bài cũ hoặc kiến thức liên quan đến tiết học,....

-GV nhận xét và kết nối để giới thiệu bài.

(Nêu nội dung và hình thức tổ chức)

2- Hoạt động luyện đọc: (Thời gian)

* Mục tiêu: Giúp HS đọc đúng từ, câu, đoạn của bài.

(Dự kiến HS cần giúp đỡ, nội dung cần giúp đỡ: HS còn phát âm sai/ HS còn đọc ngọng/ HS đọc ngắt nghỉ câu chưa đúng cần sửa cần giúp đỡ: Em A, B, C,....)

* Cách tiến hành: (Có thể tiến hành cá nhân, cặp đôi hoặc theo nhóm-Tùy từng bài)

-1 HS đọc mẫu – Cả lớp đọc thầm và chia đoạn.

-HS đọc nối tiếp đoạn trong nhóm (lặp lại 2-3 lần, sao cho mỗi HS được đọc nhiều đoạn)

-HS phát hiện và nêu từ khó đọc.-->HS Luyện đọc từ khó: Trước lớp--> Nhóm (Cá nhân --> Cặp đôi -->  Nhóm)

-HS phát hiện  câu dài, câu khó đọc --> HS Luyện đọc câu : Trước lớp--> Nhóm (Cá nhân --> Cặp đôi -->  Nhóm)

-HS đọc chú giải, GV kết hợp giải thích thêm.

-HS luyện đọc thầm (Cặp đôi)

-1 HS đọc  toàn bài.

-GV đọc mẫu.

3-Hoạt động tìm hiểu bài: (Thời gian)

*Mục tiêu: Giúp HS hiểu nội dung bài: .......( trả lời được các câu hỏi...... trong SGK).

(Dự kiến HS cần giúp đỡ, nội dung cần giúp đỡ )

* Cách tiến hành: (Có thể tiến hành cá nhân, cặp đôi, theo nhóm hoặc cả lớp-Tùy từng bài)

-Lựa chọn hình thức dạy học thích hợp để tổ chức cho HS trả lời các câu hỏi trong SGK, câu hỏi mở rộng và tìm nội dung bài.

-GV nhận xét, kết luận.

-HS nhắc lại nội dung bài.

4- Hoạt động Luyện đọc diễn cảm: (Thời gian)

*Mục tiêu: Giúp HS bước đầu đọc diễn cảm được bài văn. Luyện đọc diễn cảm đoạn ......

 (Dự kiến HS cần giúp đỡ khi đọc diễn cảm)

* Cách tiến hành: (Có thể tiến hành cá nhân, cặp đôi, theo nhóm hoặc cả lớp-Tùy từng bài)

-HS đọc nối tiếp đoạn--> Cả lớp đọc thầm để tìm giọng đọc toàn bài.

-GV hướng dẫn, điều chỉnh cách đọc.

-Hướng dẫn đọc diễn cảm 1 đoạn:

  +1-2 HS đọc mẫu--> Cả lớp đọc thầm để tìm cách đọc diễn cảm.

+ Nêu giọng đọc

  +GV đọc mẫu (nếu cần)

  +HS luyện đọc diễn cảm theo cặp-GV giúp đỡ, sửa chữa.

  +HS thi đọc diễn cảm.

Lưu ý:

-Việc hướng dẫn đọc diễn cảm hay luyện đọc lại cần được vận dụng một cách linh hoạt. Tùy trường hợp, GV có thể áp dụng các biện pháp khác nhau như đọc truyện theo vai, thi đọc tốt một đoạn văn (khổ thơ) hoặc cả bài, tổ chức trò chơi học tập có tác dụng luyện đọc,...

-Mỗi đoạn văn (khổ thơ) có thể được đọc với nhiều cách khác nhau. GV chỉ sửa chữa những cách đọc không phù hợp với nội dung của đoạn, tránh áp đặt, hạn chế sự cảm thụ và sáng tạo của HS.

* Học thuộc lòng (Đối với những bài có yêu cầu HTL)

+HS tự nhẩm HTL các khổ thơ, bài thơ hay đoạn văn theo chỉ định trong SGK. Đối với những lớp yếu, GV có thể áp dụng một số biện pháp giúp HS HTL như ở lớp 3, VD: Xóa dần các chữ trong mỗi dòng, mỗi câu, mỗi khổ thơ hay ngược lại, chỉ viết chữ đầu, chữ cuối của mỗi dòng, mỗi câu, mỗi khổ thơ,....

+GV tổ chức cho HS thi HTL các khổ thơ, bài thơ hay đoạn văn vừa học thuộc.

5- Hoạt động vận dụng,sáng tạo:

-Tổ chức trò chơi, củng cố bài học: Hướng dẫn HS chốt lại nội dung chính hoặc ý nghĩa của bài tập đọc.

- Ứng dụng kiến thức học được vào thực tế cuộc sống.

-Giao nhiệm vụ cụ thể đối với từng đối tượng hoặc từng nhóm đối tượng HS.

-Nhận xét tiết học.

Điều chỉnh: ………………………………………………………………………..

(Có vài dòng trống để viết những hoạt động, những việc cần điều chỉnh khi thực tế hoạt động học không diễn ra như giáo án đã soạn.

Nếu không điều chỉnh thì ghi “Không” vào thời điểm ngay trước hoặc ngay sau tiết học, điều này đồng nghĩa với việc GV cần dạy như giáo án).

 

*Lưu ý khi soạn giáo án dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh:

- Trong hoạt động khởi động không cần ghi mục tiêu hoạt động.

- Phần mục tiêu của bài căn cứ vào chuẩn KT- KN, xác định mục tiêu của từng hoạt động cần căn cứ vào mục tiêu chung của bài theo từng đơn vị kiến thức.

- Chú trọng đến cách tiến hành, cách tổ chức các hoạt động học tập của học sinh sao cho giáo viên chỉ là người tổ chức giao việc và chính xác hóa kiến thức còn học sinh được tự khám phá, trải nghiệm và chiếm lĩnh kiến thức thông qua các kỹ năng tự học, kỹ năng hợp tác trong nhóm qua đó hình thành năng lực, phẩm chất cho học sinh.

- Cá thể hóa đối tượng học sinh (M1, M2, M3, M4), đặc biệt là nhóm học sinh cần giúp đỡ (M1) và nhóm học sinh cần phát huy năng lực (M3, M4) – Khuyến khích việc cá thể hóa đến từng học sinh.

- Chỉ rõ nội dung cần giúp đỡ hay cần phát huy cho học sinh.


Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết